Trải qua quá trình lịch sử lâu dài, Phong Châu mang đặc điểm dân cư, xã hội của vùng miền núi Đông Bắc. Địa bàn Phong Châu có ba dân tộc chính là Tày, Nùng và Kinh cùng chung sống. Sử sách đã viết "Trong hạt, người Tày nhiều, người Nùng ít, phần lớn chất phác không thích tranh giành". Ngày nay, người Tày chiếm hơn 90% dân cư Phong Châu, phân bố đều khắp trên địa bàn xã. Tiếng Tày cũng là ngôn ngữ giao tiếp chủ yếu tại địa phương. Người Tày Phong Châu sống thành từng làng nơi thung lũng bằng phẳng, có tập quán cấy lúa nước, đắp đập, khơi mương đưa nước vào ruộng, khai thác những vùng đất phì nhiêu. Người Nùng và người Kinh chiếm tỷ lệ nhỏ trong kết cấu cư dân. Toàn xã không có hộ gia đình thuần túy người Kinh. Các dòng họ ở Phong Châu có họ Nông, Hoàng, Lục, Lê, Lý, Đàm, La, Triệu, Chu, Mông... trong đó họ Nông và họ Hoàng có số người đông nhất. Cơ cấu lao động ở Phong Châu chủ yếu là lao động nông nghiệp. Người dân sống đơn giản, mộc mạc, đoàn kết, gắn bó và giàu lòng mến khách.
Là địa bàn sinh sống của nhiều dân tộc anh em, nên đặc điểm nổi bật về văn hóa của Phong Châu là sự hội tụ và đan xen. Bản sắc văn hóa độc đáo, đặc trưng của các dân tộc Tày, Nùng cùng cộng hưởng để tạo nên bức tranh văn hóa đa sắc của địa phương. Mỗi dân tộc vừa có những nét văn hóa độc đáo, phong tục tập quán riêng biệt, vừa có những ảnh hưởng, giao thoa. Những ngôi nhà sàn cổ xây bằng đá của người Tày với vẻ cổ kính, nguyên sơ cùng kiến trúc độc đáo; văn hóa bản địa lâu đời; cuộc sống bình dị của những con người mộc mạc, giàu lòng mến khách; hương vị dẻo thơm của xôi ngũ sắc, vị cay nồng của rượu men lá, vị ngọt bùi của hạt dẻ... là những giá trị văn hóa độc đáo của đồng bào các dân tộc Phong Châu được gìn giữ, bảo lưu qua nhiều thế hệ.
Ẩm thực là một nét đặc sắc trong kho tàng văn hóa bản địa của Phong Châu. Ngày thường hay ngày lễ tết, người dân Phong Châu đều có văn hóa ẩm thực phong phú, từ cách chế biến cho đến hương vị các món ăn. Vào dịp tết Nguyên đán, người dân Phong Châu có bánh chưng, bánh khảo, chè lam, thịt lợn, thịt gà. Thanh minh (mùng 3-3 âm lịch) là tết tảo mộ thể hiện lòng hiếu nghĩa với tổ tiên, người dân Phong Châu có xôi ngũ sắc, thịt lợn, măng nhồi, gà, cá. Mùng 6-6 (âm lịch) là tết so lộc, ăn mừng sau khi cày cấy vụ mùa vất vả, trâu bò nghỉ ngơi, dâng cúng tổ tiên, báo với tổ tiên để gọi hồn trâu trở lại, vì qua một vụ mùa lao động vất vả, hồn vía con trâu đã rời khỏi thể xác, lúc này, người dân Phong Châu có bánh, bún, thịt vịt. Tết Trung nguyên rằm tháng Bảy, các gia đình trở về thăm bên ngoại, các món ăn có bánh gai, bún và thịt vịt. Ngày mùng 9-9 (âm lịch), người dân địa phương ăn lúa mới. Tết Đông chí thì làm bánh coóng phù ăn nóng với nước đường, gừng để làm ẩm cơ thể.
Trên địa bàn xã Phong Châu có hai công trình tôn giáo tín ngưỡng, người dân địa phương thường gọi là chùa Long Kiên và chùa Long Cố. Theo dân gian, chùa Long Kiên và chùa Long Cố thờ một đôi vợ chồng hi sinh trong thời kì chống xâm lược phương Bắc. Long Kiên là chồng, Long Cố là vợ. Hai người sống trên đỉnh núi Phja Mò trước làng Nà Giốc ngày nay. Khi có giặc ngoại xâm, hai vợ chồng đã anh dũng xông lên tiêu diệt giặc. Bị vây hãm, để khỏi rơi vào tay giặc, hai vợ chồng nhảy xuống núi tự tử. Nhân dân tiếc thương hai con người anh dũng nên đã lập chốn thờ. Nà Giốc thờ người chồng, lập chùa Long Kiên; Phja Bó thờ người vợ, lập chùa Long Cốt.
Người dân Phong Châu thờ cúng tổ tiên và Thổ công. Nhà nào cũng có ban thờ cúng tổ tiên, được đặt ở gian giữa ngôi nhà, chỗ trang trọng nhất. Người dân Phong Châu cúng lễ tổ tiên vào ngày giỗ tổ, ngày mất của các bậc tổ tiên, ngày tết Nguyên đán và ngày rằm tháng Bảy. Ngày 01 và 15 âm lịch hằng tháng, người dân địa phương cũng thường thắp hương trên ban thờ. Một số xóm trong xã còn duy trì lễ thờ thổ công của xóm, tổ chức cho cả xóm ăn cơm chung, cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng phong đăng, tươi tốt (vào ngày 02-3 âm lịch hằng năm).
Người dân Phong Châu có đời sống văn nghệ dân gian đặc sắc với hát Lượn Then của người Tày và hát lượn Hà Lều của người Nùng. Then là một loại hình nghệ thuật tổng hợp chứa nhiều thành tố ngữ văn, âm nhạc, mỹ thuật, múa, diễn xướng dân gian và có giá trị về lịch sử, văn hóa, xã hội, Người Tày ở Phong Châu thường sử dụng then vào những dịp trọng đại như lễ hội, cầu đảo của gia đình, dòng họ vào dịp năm mới, sinh con đầu lòng, giải trừ tà ma và chữa bệnh. Hà Lều (hay lượn phủ) là hát đôi, mỗi bên hai nam, hai nữ. Giống như "Hát đối" của người Kinh, lượn Hà Lều không hề có bài bản sẵn, hoàn toàn ứng tác tại chỗ, hai bên phải xem đối phương lượn câu gì, ẩn ý ra sao để lựa lời mà đáp lại. Bất kể khi ra câu lượn hay đáp lại, tất cả phải tuân theo cách gieo vần, vừa bảo đảm hợp tình hợp lí vừa phù hợp với hoàn cảnh. Cái tinh tuý, chắt lọc làm mê hồn người nghe của Hà Lều nằm ở lối nói tượng trưng và ví von bằng hình ảnh. Khi chàng trai hay cô gái muốn nói điều gì đó sẽ không nói thẳng mà thông qua một đồ vật hay hình ảnh cụ thể. Hiện nay, trên địa bàn Phong Châu, các cụ ông, cụ bà vẫn còn lưu giữ được làn điệu dân ca truyền thống lượn Hà Lều.
Vào dịp tết Nguyên đán, người dân các xóm ở Phong Châu tổ chức hội tung còn. Bên này tốp nam, bên kia tốp nữ. Sau khi chơi tung còn, lại hát lượn giao duyên tình tứ. Theo quan niệm truyền thống, trò chơi tung còn mang ý nghĩa tượng trưng cho mọi việc ốm đau, vận hạn sẽ được rũ sạch, thay vào đó là sự ấm no, hạnh phúc khi ném còn qua vòng còn trên đỉnh cột.